Những “hạt sạn”
Thời gian gần đây, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ phát sóng khung giờ vàng gây nhiều tranh cãi. Cộng đồng người Dao trong nước liên tục lên tiếng phản ứng trước nhiều sai lệch của bộ phim. Trong đó có nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số đã có những phản ứng gay gắt.
Một cảnh quay gây nhiều tranh cãi trong bộ phim Đi giữa trời rực rỡ.
Bà Triệu Mùi Say - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc - Ủy Ban Dân Tộc, người dân tộc Dao cho rằng: “Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ có nhiều điểm không đúng với đời sống thật của người dân tộc Dao như: tục thờ cúng, tục cưới hỏi, việc mổ trâu ăn mừng, nghề thuốc của người Dao...”. Trong đó, bà đưa ra những dẫn chứng cụ thể như: không ai được ngồi chỗ cửa chính quay lưng vào bàn thờ, không ai được đứng trước bàn thờ của người Dao. Người Dao quý trâu nên không mổ trâu để ăn mừng. Về lễ cưới hỏi, phải có thầy xem mệnh khắc hợp của đôi nam nữ, có người làm mối, lễ ăn hỏi, cưới xin đàng hoàng, không phải chỉ ra chợ mua cái đầu lợn phủ vải đỏ bê đến như trong phim.
Còn TS. Trần Hữu Sơn- Viện Nghiên cứu Văn hóa thẳng thắn nói: “Xem phim tôi rất phẫn nộ. Điểm yếu của các nhà làm phim là tư tưởng coi thường người miền núi. Điều đó thể hiện ở ngôn ngữ (xưng hô mày, tao, giao tiếp hàng ngày cộc lốc), trang phục (lấy lễ phục đi chăn trâu, nhân vật nam đeo yếm nữ nhảy múa, đây là hình ảnh sai lệch, tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường). Nhà làm phim vẫn có ấn tượng người miền núi là lạc hậu, người miền núi phải nói ngọng”.
Đáng nói, đây không phải là bộ phim đầu tiên khai thác đề tài đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gây ra luồng ý kiến trái chiều. Vào năm 2017, bộ phim truyền hình nhiều tập Lặng yên dưới vực sâu sau khi phát sóng cũng nhận chỉ trích vì xây dựng hình ảnh không chân thực. Cụ thể, dàn diễn viên quá “thành phố”, trắng trẻo diện những trang phục của đồng bào Mông nhưng vẫn nói ngôn ngữ của người Kinh pha chút “lơ lớ” tiếng địa phương khiến khán giả thấy… khó chấp nhận.
Thậm chí, một số bộ phim nói về đề tài dân tộc thiểu số nhưng diễn viên lại nói đặc giọng Hà Nội. Nhiều bộ phim khác cũng bị cho là mắc lỗi tương tự như: Tình thắm Sa Pa, Chiếc vòng bạc, Chim Phí bay về nguồn cội, Đỉnh núi mờ sương…
Bộ phim Chuyện của Pao thành công khi đạo diễn khai thác thành công tâm lý, cách cảm cách nghĩ, văn hóa phong tục của đồng bào dân tộc Mông.
“Làm đúng trước, làm đẹp sau”
Tại nhiều cuộc hội thảo làm phim hiện đại đề tài dân tộc thiểu số, các đại biểu thường xuyên đề cập đến vấn đề này. Trong đó, nhiều chuyên gia điện ảnh đều khẳng định, văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số rõ ràng là một đề tài rộng lớn có sức hút với khán giả không chỉ là những cảnh sắc hùng vĩ của miền núi mà còn là bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc ấy là phong tục, tập quán, âm nhạc, trang phục…đã hình thành và tồn tại lâu đời. Nếu phản ánh không trung thực, lấy cái nhìn của một vài cá nhân người miền xuôi áp vào cộng đồng dân tộc thiểu số thì hậu quả sẽ không nhỏ. Bởi sự phản ánh trước hết phải đúng rồi mới nói tới chuyện phản ánh đẹp.
TS. Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng Ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” cho biết: “văn hóa tộc người không phải là một vấn đề hời hợt, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng. Cái khó là một số nhà làm phim do thiếu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, chưa thấu hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc. Do đó, có những chi tiết rất thường nhật của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ẩn chứa ý nghĩa văn hóa riêng mà đoàn làm phim không nhận ra, vô tình làm sai lệch. Vì vậy rất cần sự nghiên cứu, tham khảo, tư vấn cẩn trọng từ các chuyên gia, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các nghệ nhân dân gian trước khi xây dựng kịch bản và bấm máy”.
Bản sắc văn hóa các dân tộc thể hiện ở các giá trị vật thể và phi vật thể là vốn quý được các lớp thế hệ bao đời nỗ lực bảo tồn, phát huy. Tất nhiên tác phẩm văn học nghệ thuật, phim ảnh cần có sự bay bổng, cần có yếu tố thẩm mỹ, song nhà sản xuất cần tôn trọng sự thật trước tiên. Bởi trước hết cần làm đúng rồi mới tính đến yếu tố thẩm mỹ, yếu tố nghệ thuật. Do đó, tôn trọng bản sắc văn hóa là điều phải được đặt lên hàng đầu.
Gửi phản hồi
In bài viết